Theo UBND huyện Lục Ngạn, các hoạt động chính của chương trình du lịch đặc biệt này gồm: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt các chương trình truyền thông về du lịch mùa vải chín; sản xuất các clip ngắn giới thiệu về du lịch vải thiều Lục Ngạn đăng tải trên youtube và mạng xã hội zalo, facebook; in tờ gấp quảng bá du lịch Lục Ngạn…
Chương trình du lịch mùa vải năm nay sẽ được diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7, tại các điểm du lịch, thắng cảnh, các nhà vườn tiêu biểu được chọn đáp ứng tiêu chí phục vụ kinh doanh du lịch.
Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” dự kiến tổ chức vào sáng ngày 22/6/2023 tại điểm du lịch Bầu Tiên và khu vực sản xuất vải xuất Nhật tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn gắn chủ đề “Vải thiều Lục Ngạn – Đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á” với nhiều chương trình hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
Trong Chương trình du lịch mùa vải năm nay, để tạo điểm đến hấp dẫn kết nối các tour trải nghiệm vải thiều, huyện Lục Ngạn sẽ lựa chọn các điểm du lịch, hợp tác xã, nhà vườn có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap có diện tích lớn, vườn quả sai, đi lại thuận tiện; chủ nhà thân thiện, nhiệt tình, có đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch. Tập trung vào các địa điểm có các hợp tác xã hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, các xã có nhiều nhà vườn đẹp tiêu biểu: Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương, Trù Hựu, Phượng Sơn.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tập chung tổ chức các tour du lịch trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng thu hút khách. Du khách đến với Lục Ngạn được tham quan, trải nghiệm, tự tay hái vải tại vườn; thi hái vải, thi ăn vải, tạo hình bằng trái vải; Tham gia các chương trình “Team building” tại vườn vải với các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhà vườn; chế biến món ăn, nước uống từ vải; kết hợp trải nghiệm ngày làm mỳ…
UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay, huyện Lục Ngạn xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước… Hai thị trường chính được huyện xác định là xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Dự kiến có hơn 43.300 tấn sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước EU… Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm từ 85 – 90% sản lượng xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước khoảng 35.000 tấn tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai, các nhà, kênh phân phối…