Với sự tăng mạnh của lượng du khách đổ đến Mũi Né – Phan Thiết sau khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được đưa vào khai thác, nhiều cơ sở lưu trú tại đây chỉ nhận những du khách đặt phòng tối thiểu là hai đêm, có bữa ăn bắt buộc.
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết kể từ khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được đưa vào hoạt động, lượng du khách đổ đến địa phương này nhiều hơn.
Riêng trong tháng 5, lượng du khách đến Phan Thiết đã tăng 20%, dẫn đến tình trạng “quá tải” tại một số cơ sở lưu trú, nhất là vào dịp cuối tuần, dù địa phương này có gần 600 cơ sở lưu trú với hơn 17.500 phòng.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Chị Đỗ Yến (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết gia đình chị có kế hoạch đi Mũi Né đầu tháng 6 này, sau khi các con đã nghỉ hè. Tuy nhiên, khi đặt phòng ngày thứ sáu vẫn còn nhiều loại phòng để lựa chọn, riêng hai ngày cuối tuần tất cả khách sạn báo đã kín chỗ. “Gia đình tôi đang cân nhắc chuyển sang Nha Trang”, chị Yến cho biết.
Theo đại diện một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn tại Mũi Né – Phan Thiết, các phòng trong ngày cuối tuần đã kín lịch cho đến ngày 15-7. Khách chỉ có thể đặt phòng các ngày trong tuần. “Phần lớn khách cuối tuần là khách đoàn, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, sự kiện cho nhân viên vì họ không thể nghỉ trong tuần”, giám đốc một khu nghỉ dưỡng nói.
Do số lượng du khách đến Phan Thiết tăng vọt, nhiều cơ sở lưu trú ở địa phương đã đưa ra các quy định như yêu cầu thời gian ở tối thiểu là hai đêm, hoặc phải có bữa ăn bắt buộc…
Điều này đã gây bức xúc cho nhiều đơn vị lữ hành khi cho rằng các cơ sở lưu trú này đã hạn chế quyền lựa chọn của du khách, đưa các đơn vị lữ hành vào thế khó.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tư vấn truyền thông du lịch Việt Nam – đơn vị lữ hành thường dẫn khách đến Phan Thiết, cho biết một số cơ sở lưu trú tại Phan Thiết đặt ra các yêu cầu về thời gian lưu trú, bữa ăn bắt buộc kể từ khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đưa vào vận hành, lượng du khách đến địa phương này nhiều hơn.
Chẳng hạn khi đơn vị lữ hành hay du khách đặt phòng ở một đêm, cơ sở lưu trú thông báo không còn.
Nhưng khi đặt hai đêm trở lên, cơ sở này lại báo có phòng. Thậm chí có cơ sở lưu trú yêu cầu muốn đặt phòng phải đặt thêm suất ăn.
“Nếu cứ kinh doanh kiểu này, du khách sẽ sớm rời Mũi Né. Thiệt hại vô cùng lớn cho cả ngành du lịch địa phương, người dân và các cơ sở kinh doanh chân chính”, ông Sơn nói.
Chọn khách nhưng khách phải hài lòng
Ông Phan Đình Huê, giám đốc Công ty Vòng Tròn Việt – chuyên tư vấn phát triển các sản phẩm du lịch, cho rằng một khu nghỉ dưỡng hay khách sạn ra điều kiện nhận khách ở từ hai hay ba đêm trở lên không mới trong du lịch.
Nhiều khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam cũng áp dụng quy định này nhằm chọn đúng đối tượng khách đi nghỉ dưỡng, thường ở lâu và muốn yên tĩnh, có không gian riêng tư.
“Với Mũi Né – Phan Thiết nhờ sự thuận lợi mà đường cao tốc mang lại, tôi hiểu các chủ cơ sở lưu trú đã có quyền lựa chọn khách phù hợp với sản phẩm, mục tiêu thị trường, đó là dòng khách nghỉ dưỡng chứ không phải khách tham quan.
Nhưng cần phải thông báo rõ ràng, đừng để khách thấy bị đối xử không công bằng”, ông Huê nói và cho rằng ngành du lịch Bình Thuận cần có thông tin rõ hơn về chính sách đón khách và chiến lược phát triển nguồn khách.
Cũng theo ông Huê, du lịch Bình Thuận đang được hưởng lợi từ những tiện ích mà cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây mang lại chỉ trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể kiểm chứng được khách dồn dập kéo đến đây để trải nghiệm đường cao tốc hay vì mê cảnh đẹp, dịch vụ ở Mũi Né – Phan Thiết.
“Nếu ngành du lịch địa phương không có cách xử lý khéo léo, khách sẽ chuyển hướng sang điểm đến khác”, ông Huê khuyến cáo.
Đại diện một cơ sở kinh doanh ăn uống tại Mũi Né cho rằng phải để du khách chủ động lựa chọn dịch vụ bởi không phải khách nào cũng đủ điều kiện ở nhiều đêm cũng như ăn uống đắt đỏ. “Cơ sở lưu trú chỉ nên gợi ý, chứ không áp đặt du khách”, vị này nói.
Ông Trần Văn Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho rằng với ưu đãi dành cho du khách ở nhiều đêm, cơ sở lưu trú sẽ đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn để bù lại những ngày vắng, có điều kiện chăm chút hơn cho khách.
Nếu không đáp ứng được điều kiện này (thời gian lưu trú, bữa ăn bắt buộc…), du khách vẫn còn nhiều lựa chọn các cơ sở khác. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định cách làm này không đại diện cho cả ngành du lịch địa phương.
“Phần lớn các cơ sở có công suất phòng cao mới làm như vậy, vì đó là chiến lược của họ. Đây là việc giữa các cơ sở lưu trú với lữ hành. Việc kinh doanh kiểu này không đại diện cho ngành du lịch địa phương”, ông Bình nói và cho rằng chính sự hài lòng của khách hàng mới là thước đo cuối cùng trong kinh doanh.
Sẽ làm rõ việc cơ sở lưu trú “bán bia kèm mồi”
Liên quan vụ lùm xùm các resort, khách sạn ở Phan Thiết từ chối nhận bán phòng ở một đêm hay “mua bia kèm lạc” mà nhiều đơn vị lữ hành phản ánh, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh làm rõ.
Theo ông Minh, địa phương sẽ giải quyết các vướng mắc trên với tinh thần đúng quy định trong kinh doanh và pháp luật.
Cũng theo ông Minh, địa phương đã xác định khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đưa vào vận hành, lượng du khách sẽ về đông.
Du lịch là một trong những trụ cột kinh tế mũi nhọn mà địa phương đã có nghị quyết phát triển riêng. Để cải thiện hình ảnh và giữ chân du khách, địa phương luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi các cơ sở kinh doanh.
“Địa phương luôn quán triệt tinh thần là không để xảy ra tình trạng buôn bán chặt chém, giá cả phải niêm yết rõ ràng, phù hợp. Không được chèo kéo, làm những việc ảnh hưởng môi trường dẫn đến mất khách. Các mảng phụ trợ khác như vận tải, cơ sở ăn uống… cũng cần cải thiện hơn nhiều để du lịch mới phát triển tương xứng hơn”, ông Minh cho biết.