Chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã trải qua chặng đường 3 năm đầu thực thi. Mặc dù trong 3 năm qua, kinh tế – thương mại toàn cầu nói chung và thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP nói riêng đứng trước nhiều khó khăn, tuy nhiên, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP vẫn được duy trì liền mạch, thông suốt.
Năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này đạt 39,5 tỷ USD. Năm thứ hai (năm 2020), dưới tác động của Covid-19, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ, đạt 38,75 tỷ USD, nhưng bước sang năm thứ ba đã lấy lại đà tăng trưởng.
Đặc biệt là những thị trường mới như Canada, Mexico, Peru – trước khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu sang các nước này còn khiêm tốn. Tuy nhiên, sau khi có CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đã tăng đáng kể. Điều này phản ánh việc các doanh nghiệp đã dần dần nắm bắt và có thể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới.
Năm 2022, các FTA, trong đó có CPTPP được dự báo sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, từ đó giúp các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu.
Để giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn CPTPP, một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp cần tăng tính chủ động trong tìm hiểu Hiệp định và đáp ứng tốt nhất quy định về quy tắc xuất xứ.
Nhằm thông tin cụ thể hơn về những cơ hội, thách thức của Hiệp định CPTPP, Báo Công Thương tổ chức chương trình Chính sách và đối thoại với chủ đề “Hiệp định CPTPP – Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam”.
Tọa đàm có sự tham gia lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương; Lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ; Chuyên gia kinh tế; Hiệp hội Xi măng Việt Nam.
Tọa đàm được phát trực tiếp tại Báo Công Thương điện tử Congthuong.vn và các nền tảng mạng xã hội của Báo Công Thương như Tiktok, Youtube, Facebook.